Max Mara mang bộ sưu tập Resort 2026 (Cruise 2026) đến Đại cung điện Vương thất Caserta với một tầm nhìn rõ ràng: sự sang trọng Ý, được định hình bởi những biểu tượng điện ảnh và mang đậm dấu ấn di sản. Tinh thần chủ đạo của bộ sưu tập lần này phản ánh một cách tiếp cận tự tin, hiện đại về sự xa xỉ, hướng đến những người phụ nữ luôn trân trọng sự tinh tế và thoải mái trong phong cách.
Giám đốc sáng tạo Ian Griffiths đã tìm thấy nguồn cảm hứng từ kỷ nguyên vàng của điện ảnh Ý, gợi nhắc đến hình ảnh của những minh tinh huyền thoại như Silvana Mangano trong “Riso Amaro” (Bitter Rice, ra mắt năm 1949) hay Sophia Loren trong “Leri, Oggi, Domani” (Yesterday, Today and Tomorrow, ra mắt năm 1963). Chính tinh thần táo bạo và phong cách tự nhiên của họ đã định hình nên bộ sưu tập Max Mara Resort 2026 tôn vinh sự quyến rũ và tự tin thay vì những quy tắc cứng nhắc. Sự kết hợp đầy bất ngờ giữa quần shorts, áo crop top và bốt cao quá gối đã thiết lập một tiêu chuẩn mới cho thời trang nghỉ dưỡng, trong khi tinh thần “Italianness” xuyên suốt giúp các thiết kế gắn liền với một bối cảnh văn hóa giàu có.
Griffiths chia sẻ rằng, phong cách Ý đã được thế giới biết đến và ngưỡng mộ qua phim ảnh từ rất lâu trước khi các nhà thiết kế thời trang trở nên nổi tiếng. Ông tin rằng di sản này vẫn tiếp tục định hình cách phụ nữ ăn mặc ngày nay. Bộ sưu tập Max Mara Resort 2026 không chỉ tri ân quá khứ huy hoàng đó mà còn làm mới nó cho khán giả đương đại. Việc lựa chọn Caserta, một địa danh ở vùng phía bắc Naples, với vẻ đẹp hùng vĩ nhưng chưa được khám phá rộng rãi, đã tạo nên một sàn diễn đầy kịch tính, tôn lên trọn vẹn tinh thần hiện đại của các thiết kế.
Các đường nét trong bộ sưu tập là sự dịch chuyển nhịp nhàng giữa hai thái cực nam tính và nữ tính. Những đôi giày loafer thanh lịch và áo khoác may đo chuẩn mực gợi nhớ đến phong cách thời trang nam của vùng Naples, trong khi những bộ pyjama lụa và chân váy mini tua rua lại được tô điểm bằng những họa tiết lưu trữ từ nhà sản xuất cà vạt trứ danh E. Marinella của Naples. Ra đời từ năm 1951, các mẫu hoa văn này xuất hiện trên mọi thứ, từ áo blouse mềm mại đến chân váy dáng chữ A, như một lời chào tinh tế đến di sản của thương hiệu.
Những chiếc áo sơ mi kẻ sọc và áo khoác nhẹ như lông vũ, được chế tác bởi nghệ nhân may đo vùng Naples Vincenzo Cuomo, phản ánh rõ nét kỹ thuật may đo của vùng đất này: nhẹ nhàng, chính xác và hoàn toàn phù hợp với khí hậu. Tất nhiên, không thể không nhắc đến những chiếc áo khoác đã làm nên tên tuổi của Max Mara, đặc biệt là chiếc “teddy coat” màu hồng gelato ngọt ngào, vẫn là điểm nhấn sáng giá, mang lại sự thoải mái và phong cách tuyệt đối. Trang phục dạ hội bao gồm những mẫu đầm cúp ngực đính kết pha lê, mang lại cảm giác sang trọng cho những buổi tiệc tối mà không làm mất đi tính ứng dụng.

Xuyên suốt bộ sưu tập, Ian Griffiths luôn giữ vững sự tập trung vào những người phụ nữ đời thực – những khách hàng thân thiết của Max Mara. Ông nhắc đến bức ảnh mang tính biểu tượng “American Girl in Italy”, chụp bởi nhiếp ảnh gia người Mỹ Ruth Orkin năm 1951, như một tuyên ngôn về sự tiến bộ và độc lập. Sự tự tin trong các thiết kế của Max Mara chưa bao giờ là sự phô trương; thay vào đó, nó mang đến sự mới mẻ và lôi cuốn một cách chân thực và dễ tiếp cận. Griffiths nói về một “sợi dây gắn kết lòng tin” với khách hàng, nhấn mạnh rằng trách nhiệm của thương hiệu là trao quyền và mang lại sự an tâm cho phụ nữ trong mọi lựa chọn của họ.
©Ảnh: Max Mara