Một chương mới sắp mở ra cho Vogue US khi Anna Wintour, 75 tuổi, nhân vật quyền lực của ngành thời trang và xuất bản, thông báo kế hoạch bổ nhiệm một người mới vào vị trí đứng đầu bộ phận biên tập nội dung (Head of Editorial Content). Trong một thông báo nội bộ gửi đến nhân viên, người đứng đầu tạp chí Vogue đã xác nhận về sự thay đổi mang tính bước ngoặt này. Động thái này không đồng nghĩa với việc bà rời khỏi thế giới xuất bản; bà vẫn giữ hai vai trò cấp cao là Giám đốc nội dung của Condé Nast và Giám đốc biên tập toàn cầu của Vogue. Việc tìm kiếm trưởng ban biên tập mới cho Vogue Mỹ nhằm mục đích điều chỉnh cấu trúc của tạp chí cho phù hợp với mô hình toàn cầu của Condé Nast.
Sự thay đổi này là một phần trong quá trình tái cấu trúc đang diễn ra của Condé Nast nhằm thống nhất hoạt động biên tập trên tất cả các thị trường. Bốn năm trước, công ty đã giới thiệu mô hình biên tập toàn cầu, đặt Anna Wintour vào vị trí trung tâm tầm nhìn quốc tế. Theo cấu trúc này, mỗi ấn bản Vogue toàn cầu, từ Anh, Pháp, Ý đến Nhật Bản và Trung Quốc, đều có một người đứng đầu bộ phận biên tập nội dung riêng, chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho Wintour. Việc bổ nhiệm một vị trí tương tự cho Vogue Mỹ sẽ lần đầu tiên đưa ấn bản này vào cùng một hệ thống vận hành chung.
Người đảm nhận vai trò mới này sẽ chịu trách nhiệm về các hoạt động biên tập hàng ngày của Vogue Mỹ trên các nền tảng khác nhau, từ báo in đến kỹ thuật số. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp Wintour có thêm thời gian và sự linh hoạt để hỗ trợ các thị trường toàn cầu khác mà Condé Nast có mặt. Bà sẽ tiếp tục giám sát một danh mục lớn các tạp chí như GQ, Vanity Fair, Wired, AD, Glamour, Tatler, World of Interiors, Bon Appetit, Condé Nast Traveler, Allure …
Dù không còn trực tiếp điều hành các công việc hàng ngày tại Vogue US, tầm ảnh hưởng của Anna Wintour vẫn ăn sâu vào bản sắc của tạp chí này. Bà bắt đầu sự nghiệp tại Vogue vào năm 1988, kế nhiệm tổng biên tập Grace Mirabell. Ngay từ khi nhậm chức, bà đã mang đến một tầm nhìn biên tập mới, ưu tiên sự phù hợp văn hóa và khả năng tiếp cận bên cạnh thời trang cao cấp.

Trang bìa đầu tiên của bà cho số tháng 11/1988, chụp bởi nhiếp ảnh gia huyền thoại Peter Lindbergh, đã gây chấn động. Thay vì một bức ảnh quyến rũ, cách điệu thường thấy, Wintour lại mang đến một hình ảnh đời thường của người mẫu Michaela Bercu mặc một chiếc áo len Christian Lacroix trị giá $10.000 đô la đi cùng với một chiếc quần jean chỉ có giá $50 đô. Đây là lần đầu tiên chất liệu denim có mặt trên trang bìa của Vogue. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, Wintour chia sẻ về quyết định này: “Nó phá vỡ mọi quy tắc.” Bà giải thích rằng bà chỉ đơn giản cảm nhận được sự thay đổi trong dòng chảy văn hóa thời điểm đó.
Sự thay đổi đó đã định hình sự nghiệp của bà, kết hợp giữa sự cao cấp và gần gũi, biến đổi cách truyền thông thời trang kết nối với độc giả. Bà cũng là người tiên phong trong việc đưa những người nổi tiếng lên trang bìa, giúp tạp chí định hình xu hướng văn hóa đại chúng trong nhiều thập kỷ. Trong một cuộc họp với nhân viên, Wintour từng nói: “Bất kỳ ai làm việc trong lĩnh vực sáng tạo đều hiểu tầm quan trọng của việc không ngừng phát triển. Khi tôi đảm nhận vai trò biên tập viên tại Vogue, tôi mong muốn chứng tỏ cho bất kỳ ai muốn lắng nghe rằng có một cách mới mẻ, thú vị để hình dung về một tạp chí thời trang Mỹ.”
Hiện tại, người kế nhiệm Wintour vẫn chưa được công bố, khiến giới thời trang toàn cầu xôn xao đồn đoán về người sẽ tiếp quản một trong những vị trí được khao khát nhất ngành cũng như chờ đón chương tiếp theo của tờ tạp chí được mệnh danh là “kinh thánh thời trang.”