Với bộ sưu tập Ferrari Resort 2026 (Cruise 2026), Giám đốc sáng tạo Rocco Iannone đã lấy cảm hứng từ chính “trái tim” của Ferrari – xưởng chế tác tại Maranello, Ý và chuyển đổi ngôn ngữ cơ khí thành những thiết kế cao cấp. Ý tưởng đến từ một bức ảnh chụp từ những năm 1960, ghi lại khoảnh khắc một người phụ nữ thanh lịch đang chăm chú quan sát các kỹ sư làm việc.
Thay vì dựa vào các xưởng may thời trang truyền thống, Ferrari tận dụng chính thế mạnh mà Iannone gọi là “officina” (xưởng chế tác), nơi sự xuất sắc về kỹ thuật gặp gỡ tầm nhìn sáng tạo. Cách tiếp cận này đã đập tan những hoài nghi ban đầu về tham vọng thời trang của thương hiệu, bằng cách tập trung vào điều Ferrari làm tốt nhất: tạo ra những sản phẩm đẹp mắt với hiệu suất cao.
Bộ sưu tập mở đầu với những thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục của các kỹ sư và nhà khoa học, nổi bật là những chiếc áo khoác trench-coat bằng denim phủ sáp, phối cùng đồ da và cà vạt đỏ đặc trưng của Ferrari. Đây không phải là những màn “hóa trang” đơn thuần với chủ đề xe cộ. Thay vào đó, Rocco Iannone đã khéo léo lồng ghép những chi tiết tinh tế vào cấu trúc trang phục như hình dáng xe hơi được gợi ý qua vị trí khóa kéo và áo khoác da có cánh gió (spoiler) tích hợp, gợi nhớ đến các yếu tố khí động học của Ferrari.
Điểm làm nên sự khác biệt của bộ sưu tập Ferrari Resort 2026 chính là sự đột phá về chất liệu. Vải Q-Cycle độc quyền của thương hiệu được dệt từ sợi tái chế từ những chiếc lốp xe Ferrari đã qua sử dụng và mang chúng lên các trang phục dệt kim và suit. Đây không phải là một chiêu trò “greenwashing” (ám chỉ các chiến lược tiếp thị giả mạo, trong đó một sản phẩm hoặc dịch vụ được gắn nhãn là “xanh”, “bền vững” nhưng không được chứng minh); mà đó là sự bền vững mang tính ứng dụng, tạo ra hiệu ứng thị giác và kết cấu bề mặt vải vô cùng thú vị. Da tái sử dụng từ ghế ngồi ô tô cũng được “hồi sinh” trên các phụ kiện nhỏ, tạo điểm nhấn xuyên suốt cho toàn bộ bộ sưu tập.
Họa tiết kẻ ô 7×7, vốn quen thuộc trên các bộ đồ đua xe, nay xuất hiện đầy thanh lịch trên những chiếc đầm sơ mi lụa, đồ dệt kim và các món đồ da dập nổi. Những chi tiết lấy cảm hứng từ trang phục phi công thập niên 1930, như quần cargo da ống rộng, mang đến cho bộ sưu tập một vẻ ngoài mang tính kỹ thuật nhưng không làm mất đi tính ứng dụng thường ngày.

Chất liệu da chiếm ưu thế với nhiều phương pháp xử lý đa dạng: từ da sần, da phủ phấn (talcum-finished) cho đến da được xử lý mang hiệu ứng cũ kỹ. Đặc biệt, chiếc túi La Ferrari Dino là một sự tri ân đầy xúc động đến mẫu xe được đặt theo tên con trai của nhà sáng lập Enzo Ferrari, thể hiện chiều sâu lịch sử và câu chuyện cá nhân đằng sau thành công thương mại của thương hiệu.
Với bộ sưu tập này, Rocco Iannone đã tạo ra một thứ gì đó tinh xảo hơn nhiều so với những món đồ lưu niệm mang logo thương hiệu. Ông nhận ra rằng, vị thế văn hóa của Ferrari – nơi cái tên tự nó đã trở thành một từ đồng nghĩa với đỉnh cao – đòi hỏi những bộ trang phục cũng phải tự đứng vững trên giá trị thời trang của riêng mình, đồng thời vẫn tôn vinh di sản cơ khí đã làm nên tên tuổi vĩ đại đó.
©Ảnh: Ferrari