Như đã đưa tin, nền tảng Joopiter của Pharrell Williams đã tổ chức phiên đấu giá bộ sưu tập capsule giới hạn của thương hiệu Nhật Bản Sacai và nhóm nhạc Hàn Quốc Seventeen cùng những chú thú bông Labubu phiên bản đặc biệt từ ngày 09-18/06/2025. Sau hơn một tuần diễn ra, những con Labubu này đã được đấu giá thành công với mức giá cao nhất lên tới $31.250 USD (tương đương hơn 800 triệu đồng). Sự kiện này đánh dấu “lần đầu tiên Labubu chính thức hợp tác với một thương hiệu thời trang quốc tế,” theo thông báo từ Joopiter.
Phiên đấu giá này cũng sử dụng định dạng “blind box” (hộp mù) theo truyền thống của Pop Mart, có nghĩa là người mua cuối cùng sẽ không biết mình nhận được con Labubu nào cho đến khi mở hộp. Trong tổng số 14 phiên bản, có 13 con màu xanh mặc trang phục màu be được thiết kế riêng bởi Sacai và Carhartt WIP, cùng một phiên bản bí mật với màu sắc đặc biệt, lấy cảm hứng từ món đồ yêu thích của Pharrell Williams.
Giá cuối cùng của các con Labubu dao động từ $18.750 (gần 500 triệu đồng) đến 31.250 USD (hơn 800 triệu đồng), chưa bao gồm phí người mua 25% trả cho Joopiter.

Cuộc đấu giá này là một phần trong dự án mới nhất của Joopiter kỉ niệm mối quan hệ đặc biệt giữa thương hiệu thời trang Nhật Bản Sacai và nhóm nhạc Hàn Quốc Seventeen, bao gồm cả một bộ sưu tập giới hạn. Sự kiện này diễn ra đồng thời với việc phát hành album phòng thu thứ năm “Happy Burstday” của Seventeen và video ca khúc “Bad Influence” do chính Pharrell Williams sản xuất.
Bên cạnh Labubu, phiên đấu giá còn bao gồm một chiếc áo khoác da do Chitose Abe – Giám đốc sáng tạo của Sacai – thiết kế riêng cho MV “Bad Influence”, đã được bán với giá $9.500 USD (gần 250 triệu đồng), và một chiếc áo phông trắng có chữ ký của 11 thành viên Seventeen, được bán với giá 4.500 USD (gần 120 triệu đồng).
Toàn bộ số tiền thu được từ cuộc đấu giá sẽ được quyên góp cho tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO, nơi mà cả Seventeen và Pharrell Williams đều là đại sứ thiện chí.

Thành công của đợt đấu giá này phản ánh cơn sốt toàn cầu đối với Labubu – món đồ chơi nghệ thuật (art toy) nổi tiếng của Pop Mart và How2work, được tạo ra bởi nghệ sĩ Hồng Kông Kaising Lung vào năm 2015 – và các sản phẩm sưu tầm tương tự. Chỉ một tuần trước đó, tại Bắc Kinh, một con Labubu kích cỡ người thật đã được bán với giá 1,08 triệu nhân dân tệ (tương đương gần 4 tỷ đồng) trong cuộc đấu giá được mô tả là “đầu tiên trên thế giới dành riêng cho các sản phẩm sưu tầm của ‘quái vật nhỏ’ này.” Là một trong “Những con quái vật” (monsters) trong series sách thiếu nhi của Kaising Lung, lấy cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu, với đôi tai cao nhọn và hàm răng cưa, những con Labubu thường có « lòng tốt và luôn muốn giúp đỡ, nhưng lại mang đến kết quả trái ngược,” theo Pop Mart chia sẻ.
“Việc đấu giá sôi nổi nhấn mạnh ‘động lực ngày càng tăng của nghệ thuật đại chúng trong lĩnh vực đấu giá‘,” theo tuyên bố của nhà đấu giá Yongle, đơn vị tổ chức. Tổng cộng 48 món đồ trong cuộc đấu giá tại Bắc Kinh đã được bán hết với tổng doanh thu 3,73 triệu nhân dân tệ (hơn 13 tỷ đồng), thu hút gần 1000 nhà sưu tập tham gia.

Sức hút của Labubu được củng cố thêm nhờ sự ủng hộ của các ngôi sao quốc tế như Rihanna, Dua Lipa, và đặc biệt là Lisa (Blackpink). Người hâm mộ thậm chí xếp hàng qua đêm bên ngoài các cửa hàng với hy vọng mua được một con, điều mà các nhà phân tích cho rằng thể hiện bằng chứng về sức mạnh mềm ngày càng tăng của Trung Quốc.
Công ty đứng sau Labubu, Pop Mart, đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024 với doanh thu cả năm đạt 13,04 tỷ nhân dân tệ, tăng 106,9%. Lợi nhuận ròng trong cùng kỳ tăng vọt 185,9% lên 3,4 tỷ nhân dân tệ. Doanh thu từ thị trường nước ngoài tăng 375,2% lên 5,07 tỷ nhân dân tệ, chiếm 38,9% tổng doanh thu.
Chỉ tính riêng Labubu và bộ sưu tập “Monsters,” doanh số đã tăng 726,6% so với cùng kỳ năm trước, trở thành tài sản trí tuệ có hiệu suất tốt nhất của công ty. Giá cổ phiếu của Pop Mart niêm yết tại Hồng Kông đã tăng gấp bốn lần trong năm qua, với vốn hóa thị trường hiện tại vượt 366 tỷ đô la Hong Kong (tương đương $46,63 tỷ USD), gấp hơn hai lần tập đoàn xa xỉ Kering.
Sự nổi lên của Labubu và các đồ chơi sưu tầm khác như Jellycat đồng thời với việc kết thúc thập kỷ bùng nổ xa xỉ toàn cầu. Những người mua sắm có thu nhập thấp hơn, những người từ lâu bị các thương hiệu xa xỉ lớn bỏ qua, giờ đây đang tìm thấy sự thỏa mãn cảm xúc và địa vị xã hội trong những món đồ sưu tầm khó kiếm nhưng có giá cả phải chăng hơn nhiều.