Buổi trình diễn được mong chờ nhất Tuần lễ thời trang nam Paris (Paris Fashion Week Men’s) cuối cùng đã diễn ra. Jonathan Anderson chính thức ra mắt bộ sưu tập đầu tiên cho Dior với tư cách Giám đốc sáng tạo mới.
Không gian sàn diễn được dựng lên trước Điện Invalides danh giá, mô phỏng lại bảo tàng Gemäldegalerie ở Berlin. Đặc biệt, hai kiệt tác tranh tĩnh vật của họa sĩ Jean Siméon Chardin (1699 –1779) từ thế kỷ XVIII cũng được mượn về từ các bảo tàng lớn và được bảo vệ bằng hệ thống kiểm soát nhiệt độ nghiêm ngặt. Chi tiết đắt giá này đã phần nào hé lộ tư duy tỉ mỉ và duy mỹ của Anderson.
Trên hàng ghế đầu có sự góp mặt của những ngôi sao hạng A như Rihanna, A$AP Rocky, Pharrell Williams, Daniel Craig hay Robert Pattinson. Thế nhưng tâm điểm thực sự lại thuộc về những thiết kế trên sàn diễn. Bộ sưu tập Dior Men Xuân/Hè 2026 mở màn bằng một “phiên bản Jonathan Anderson” của chiếc áo Bar jacket huyền thoại, được làm từ vải tweed Donegal màu xanh rêu, sử dụng kỹ thuật may đo cho nam giới thay vì phom dáng couture độn vai truyền thống. Kết hợp với thiết kế kinh điển này là một chiếc quần short cargo ống rộng xếp ly phía sau, được may bằng gần 16 mét vải. Sự kết hợp này ngay lập tức khẳng định tuyên ngôn của bộ sưu tập: sự sang trọng và giản dị đời thường hoàn toàn có thể song hành một cách hài hòa.
Bộ sưu tập được phát triển dựa trên ba lãnh địa sáng tạo riêng biệt. Đầu tiên là những thiết kế “siêu bình dị” như áo khoác zip-up trơn màu gắn logo Dior (đưa phông chữ viết hoa toàn bộ trở về phông chữ cổ điển cũ). Tiếp theo là những bản sao gần như hoàn hảo của trang phục nam giới Pháp thế kỷ XVIII, bao gồm cả những chiếc áo frock coat viền vàng được chế tác bởi các nghệ nhân tại xưởng may couture của Dior. Cuối cùng là các thiết kế mang đậm tính ý niệm, lấy cảm hứng từ những mẫu váy trong kho lưu trữ của Christian Dior và chuyển hóa từ phom dáng nữ tính sang phom dáng phù hợp hơn với thời trang nam một cách đầy thuyết phục.

Tất nhiên, tính thương mại vẫn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Anderson đã làm mới dòng túi tote của Dior bằng hình bìa những cuốn sách kinh điển, từ « Dracula » của Bram Stoker, “Bonjour Tristesse” (Buồn ơi chào mi) của Françoise Sagan, “Les Fleurs du Mal” (Những bông hoa khổ đau) của Charles Baudelaire cho đến “In Cold Blood” (Máu lạnh) của Truman Capote, tạo ra tiềm năng sưu tầm cho các mùa mốt sau. Màn hợp tác với nghệ sĩ người Mỹ Sheila Hicks trên mẫu túi Lady Dior cũng hé lộ về các dự án kết hợp sáng tạo đầy hứa hẹn trong tương lai.
Sau buổi trình diễn, các khách mời đã dành cho Jonathan Anderson những tràng pháo tay không ngớt. Rihanna thậm chí đã thốt lên rằng cô muốn “mặc tất cả mọi thứ”.” Lời thú nhận của Anderson rằng việc dẫn dắt Dior giống như “làm một luận án Tiến sĩ” cho thấy cả sự khiêm tốn lẫn quyết tâm của anh. Trong năm bộ sưu tập tiếp theo, nhà thiết kế 40 tuổi có kế hoạch thiết lập tầm nhìn của mình tại một trong những nhà mốt có sức ảnh hưởng lớn nhất trong giới thời trang.
©Ảnh: Dior