Tại Tuần lễ Thời trang nam Paris (Paris Fashion Week Men’s), Yohji Yamamoto, ở tuổi 81, đã biến những trải nghiệm và nỗi trăn trở cả đời mình thành ngôn ngữ của thời trang. Bộ sưu tập Xuân/Hè 2026 của ông không chỉ về quần áo, mà còn là cuộc đối thoại trực diện với những bất an của thời đại.
Buổi diễn mở đầu bằng tiếng kèn harmonica đầy ám ảnh, nhuốm màu u uẩn lên không gian. Người mẫu sải bước trong những chiếc áo choàng lụa mềm mại, áo vest với phần tay cắt ngắn, và những bộ boiler suit (bộ áo liền quần rộng rãi) đậm tính ứng dụng. Điểm nhấn đặc biệt là họa tiết cửa sổ hoa hồng thường thấy trong các nhà thờ, một biểu tượng mang tính tôn giáo, xuất hiện bên cạnh những dòng chữ như “No more wars” (Đừng có chiến tranh nữa) hay “Your heart is like the ocean, mysterious and dark” (Trái tim bạn như đại dương, bí ẩn và sâu thẳm).
Câu chuyện cá nhân của chính nhà thiết kế đã định hình sâu sắc bộ sưu tập lần này. Sinh ra trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, giữa những trận bom dội xuống Tokyo, Yamamoto luôn mang trong mình “một góc tối tâm hồn” từ ký ức kinh hoàng đó. Mùa Xuân/Hè 2026 này, ông để cho nỗi buồn và sự phẫn nộ tích tụ ấy được bộc phát qua từng thiết kế, tạo nên những trang phục vừa thực tế vừa giàu tính biểu tượng.
Tính thực dụng là yếu tố chủ đạo. Nhận thức rõ ràng về sự nóng lên của Trái Đất, Yamamoto đã tạo ra những thiết kế mỏng nhẹ, thoáng khí, hoàn hảo cho những ngày hè ngày càng oi bức hơn. Quần lửng ống rộng trên mắt cá chân, quần short lụa và những bộ suit phom rộng rãi mang lại sự thoải mái cho người mặc mà vẫn giữ trọn vẹn tinh thần thẩm mỹ đặc trưng của nhà thiết kế.
Bảng màu chủ đạo vẫn là gam tối quen thuộc, được điểm xuyết bằng các mảng màu trắng, xanh aqua và xanh biển sâu. Ảnh hưởng từ văn hóa punk thể hiện qua những chiếc áo len rách, dây xích đeo ở cổ và cổ tay, cùng đôi sandal da cao đến mắt cá ôm trọn bàn chân. Những chi tiết này củng cố thêm tinh thần nổi loạn của bộ sưu tập nhưng không hề lấn át đi nền tảng tinh tế vốn có.

Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của show diễn chính là màn trình diễn âm nhạc. Giữa những bản nhạc không lời đậm chất du mục, chính Yohji Yamamoto cũng trình bày các ca khúc kinh điển như “Endless Love,” “What a Wonderful World,” và “Will You Still Love Me Tomorrow?.” Giọng hát của ông mang đến sự gần gũi và chân thật, thêm vào sự mềm mại cho buổi trình diễn và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường của nhà thiết kế.
Hình ảnh khoa học và tôn giáo song hành tồn tại trên khắp các thiết kế. Họa tiết kính màu nhà thờ xuất hiện bên cạnh hình ảnh các sinh vật dưới nước, cả hai cùng nổi bật trên nền đen đặc trưng của Yamamoto như những bản thảo được chiếu sáng. Chúng tượng trưng cho khả năng sáng tạo và hủy diệt của loài người, một lần nữa nhấn mạnh thông điệp của nhà thiết kế về sự tự hủy hoại của giống loài.
Thiết kế cuối cùng mang hình ảnh một mảnh vỡ trái tim từ kính màu. Sau khi cúi chào khán giả, Yohji Yamamoto đã trực tiếp gửi lời đến các chính trị gia, cảnh báo rằng nếu không hành động, “Trái Đất sẽ sớm kết thúc.”
©Ảnh: Yohji Yamamoto