Như đã đưa tin, ngày 10 tháng Bảy vừa qua, Sotheby’s Paris đã tổ chức phiên đấu giá chiếc túi Hermès Birkin nguyên bản từng thuộc sở hữu của nữ minh tinh quá cố người Anh Jane Birkin. Sự kiện này không chỉ xô đổ mọi kỷ lục đấu giá trước đó cho một chiếc túi xách mà còn hé lộ danh tính của một nhân vật đặc biệt: Shinsuke Sakimoto, một cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp trở thành ông trùm trong ngành kinh doanh đồ xa xỉ đã qua sử dụng.
Trước khi gây xôn xao tại nhà đấu giá Sotheby’s Paris, Shinsuke Sakimoto, 43 tuổi, từng là một tiền đạo tại giải bóng đá J1 League hàng đầu Nhật Bản trong màu áo câu lạc bộ Gamba Osaka. Sau khi từ giã sự nghiệp sân cỏ sớm ở tuổi 22, Sakimoto rẽ sang một con đường hoàn toàn khác là kinh doanh. Năm 2004, anh thành lập Valuence Holdings, một công ty có trụ sở ở Tokyo chuyên mua bán, thẩm định, đấu giá và tái phân phối các sản phẩm thời trang xa xỉ.

Dù khá kín tiếng trên mạng xã hội, nhưng những chia sẻ của Shinsuke Sakimoto cho thấy anh là một người có gu thẩm mỹ tinh tế và đam mê nghệ thuật. Anh sưu tầm các tác phẩm của nghệ sĩ Nhật Bản Verdy, họa sĩ người Anh George Morton Clark và cả các tác phẩm của Damien Hirst. Theo Vanity Fair, Valuence Holdings cũng sở hữu trang thương mại điện tử Allu và phòng trưng bày nghệ thuật Valon, khẳng định vị thế là một tên tuổi lớn trên thị trường đồ cũ Nhật Bản.
Cuộc đấu giá kéo dài hơn mười phút (chính xác là 13 phút 33 giây) giữa chín nhà sưu tập qua điện thoại, trực tuyến và tại phòng đấu giá, với giá khởi điểm 1 triệu euro. Cuối cùng, Maiko Ichikawa, Trưởng bộ phận Sotheby’s Nhật Bản, đại diện cho công ty Valuence của Sakimoto đã thắng cuộc qua điện thoại với mức giá cuối cùng là 8,6 triệu euro (hơn 260 tỷ đồng). Con số này, bao gồm 7 triệu euro giá trị túi và 1,6 triệu euro các loại thuế, phí phụ thu và bảo hiểm, đã đưa chiếc túi đi vào lịch sử với tư cách là túi xách đắt nhất từng được bán đấu giá, vượt xa kỷ lục 513.040 USD (hơn 13 tỷ đồng) của một chiếc Hermès Kelly da cá sấu năm 2021.
Sức hút của chiếc túi da màu đen này không chỉ đến từ việc nó là nguyên mẫu đầu tiên với bảy chi tiết thiết kế độc nhất vô nhị. Giá trị lớn nhất của nó nằm ở chỗ nó là “chứng nhân lịch sử,” mang đậm dấu ấn cá nhân và câu chuyện cuộc đời của chính Jane Birkin. Bà đã sử dụng nó gần như mỗi ngày trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến 1994. Những vết xước và màu thời gian trên túi kể lại câu chuyện về cuộc đời và phong cách của một biểu tượng, điều này tạo nên giá trị độc nhất của nó. Chiếc túi thậm chí vẫn còn một chiếc bấm móng tay treo ở dây đeo, một dấu ấn cá nhân của người chủ quá cố.
Khi về đến Nhật Bản vào thứ năm này, chiếc túi “Original Birkin” sẽ được ra mắt công chúng tại một buổi họp báo. Tuy nhiên nó sẽ không được đưa lên nền tảng bán lại của Shinsuke Sakimoto. Doanh nhân này khẳng định khoản đầu tư này không nhằm mục đích thương mại. Thay vào đó, đây là một khoản đầu tư mang ý nghĩa văn hóa. Trong một chia sẻ trên mạng xã hội, anh cho biết: “Việc mua lại này không nhằm mục đích bán lại. Nó phản ánh sứ mệnh của chúng tôi trong việc bảo tồn di sản văn hóa thế giới và giúp công chúng có thể tiếp cận nó. Chúng tôi coi đây là di sản biểu tượng của ngành thời trang, và muốn biến nó thành tài sản có giá trị cho xã hội để nhiều người có thể tiếp cận, chiêm ngưỡng.”

Morgane Halimi, giám đốc toàn cầu mảng túi xách và phụ kiện của Sotheby’s, nhận định: “Kỷ lục này cho thấy sức mạnh phi thường của một huyền thoại, khả năng khơi dậy niềm đam mê và khát khao của những nhà sưu tầm luôn tìm kiếm các món đồ độc nhất.”
Trước khi danh tính người mua được tiết lộ, nhiều đồn đoán đã xuất hiện trên mạng xã hội. Nhiều người tin rằng đó là Lauren Sánchez, người mới kết hôn với Jeff Bezos, ông chủ tập đoàn Amazon và là một trong những người đàn ông giàu nhất hành tinh. Một số khác lại cho rằng người mua chính là Kim Kardashian, người sở hữu một bộ sưu tập túi Birkin đồ sộ và từng bán lại một chiếc túi Hermes Birkin da cá sấu với giá 70.000 đô la vào năm 2024 trên trang web thanh lý đồ của gia đình Kardashian.